Bạn đang nhìn nhân viên như là “vấn đề cần sửa chữa” hay “viên kim cương thô chưa được mài giũa”?
Có thể, lý do không nằm ở việc họ "không chịu thay đổi", mà nằm ở cách chúng ta đang nhìn nhận họ. Chúng ta đang xem họ như một "vấn đề tệ hại cần sửa chữa" mà vấn đề thì có dễ chịu bao giờ. Thay vào đó, nếu chúng ta nhìn thấy ở họ tiềm năng chưa được khai phóng, một “viên kim cương quý giá chưa được mài giũa” thì hành trình đó bỗng trở nên háo hức, đầy động lực.
Mình đã từng ở trong vị trí của người "có vấn đề", và đó là một trải nghiệm không ai muốn lặp lại.
Năm 2018, sau một năm công ty trở thành thành viên của một tập đoàn đa quốc gia, đội ngũ cũng dần ổn định và bắt đầu định hình văn hóa mới sau sát nhập. Riêng mình, việc hòa nhập với đồng nghiệp cùng cấp từ công ty mẹ có phần khó khăn hơn, một phần vì cá tính mạnh mẽ và sự thẳng thắn, bộc trực đôi khi quá đà của mình. Sau các cuộc họp, mình hay được phản hồi là quá “agressive”, không lắng nghe và khiến đồng nghiệp của mình cảm thấy tổn thương. Sếp quản lý trực tiếp thì trao đổi 1:1, coaching, đánh giá 360 độ đủ các thể loại.
Thú thật, vào thời điểm đó, không ai biết mình khổ sở đến mức nào. Vốn là người thích tự suy ngẫm, tự sửa mình hơn là nghe lời chỉ trích, phán xét, mình dần sợ hãi những lời phản hồi đó, rút vào vỏ ốc. Mình tự nhận bản thân tệ hại, và cách mọi người phản ứng cũng khiến mình tin rằng: mình chính là một vấn đề.
Vậy là, để không còn bị gắn nhãn "aggressive", giải pháp duy nhất mình tìm thấy là… im lặng.
Im lặng trong các cuộc họp. Im lặng để dìm cảm xúc xuống, để không còn phải đi đến cùng trong những cuộc tranh luận mà mình tin là đúng.
Nhưng sau hơn một tháng, mình nhận ra mình không ổn chút nào. Đó không còn là mình – nhiệt huyết, năng lượng và đầy ý tưởng. Chỉ còn là một cái bóng vật vờ, những ý kiến, đề xuất cứ thế tan biến trong đầu. May mắn thay, sếp mình cũng nhận ra điều đó và đề nghị mình tham gia một chương trình coaching từ tập đoàn.
Mình có cơ hội chọn một trong số hơn 40 coach quốc tế. Ai cũng có profile "khủng", dày dặn kinh nghiệm, khiến mình băn khoăn không biết chọn ai. Cuối cùng, thay vì so sánh lý trí dựa trên dữ liệu, mình quyết định nghe theo trái tim. Mình ngồi đó, nhìn lên màn hình và lướt qua từng khuôn mặt, tìm kiếm sự đồng cảm và tin cậy. Và mình dừng lại ở bức ảnh một người phụ nữ lớn tuổi với vẻ mặt phúc hậu. Mình đã chọn Cô ấy.
Buổi gặp chỉ vỏn vẹn 45 phút. Hơn 30 phút đầu, mình trút hết nỗi lòng: những khó khăn đang đối mặt, cảm giác bất lực khi thấy mình là "vấn đề", và sự đau khổ khi phải "im lặng" để cố gắng kiểm soát năng lượng bản thân. Cô ấy chỉ lắng nghe. Bằng ánh mắt dịu dàng và thấu cảm, không đưa ra bất kỳ lời khuyên nào.
Chỉ có một câu nói duy nhất mà mình nhớ mãi, câu nói khiến mình vỡ òa nước mắt ngay sau đó, bao nhiêu uất ức được tuôn trào:
"Bạn không sai. Chỉ là bạn chưa thể hiện đúng con người của mình. Bạn không cần phải im lặng để kiểm soát cảm xúc."
Trời ơi! Sau bao nhiêu ngày, cuối cùng cũng có người công nhận mình, lắng nghe mình mà không yêu cầu mình phải lắng nghe, không nhìn thấy mình là "vấn đề". Không một giải pháp nào được đưa ra từ cô ấy, mà sao mình thấy như một chân trời mới mở ra trước mắt.
Sau hôm đó, mình đã nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân, không phán xét, không dằn vặt. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, mình bắt đầu tin lại vào bản thân, tin vào giá trị thực sự mà mình đang có.
Và mình nhận ra, không ai có thể tìm được giải pháp cho bản thân ngoài chính mình. Lắng nghe phản hổi bên ngoài rồi nhìn lại sâu thẳm trong lòng mình. Chỉ có mình mới thấu hiểu mình, biết đâu là điểm "trigger" có thể khiến mình bùng phát, biết lúc nào nên dừng lại và lúc nào nên tiến lên.
Việc thấu hiểu bản thân để trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn không phải là một đích đến, mà là một hành trình không ngừng nghỉ.
Mình viết lại câu chuyện này để gửi tâm tình đến những người đang là quản lý, đang đồng hành cùng người khác, và cả chính mình của ngày hôm qua.
Nếu có lần nào đó việc coaching không thành công, có thể không phải vì bạn không đủ giỏi.
Có thể chỉ vì bạn cũng như nhiều người đã từng làm, là nhìn họ như là “một vấn đề” cần sửa, thay vì là một “mỏ vàng” đang chờ được khai phá.
Mình đã từng đồng hành cùng nhiều bạn nhân viên và nhìn thấy họ phát triển vượt bậc.
Không phải vì mình giỏi hơn, mà vì mình thật sự tin rằng họ có tiềm năng – và mình chưa bao giờ hết kiên nhẫn để cùng ai đó bước trên hành trình khai mở chính mình, dù sự kiên nhẫn không phải ai cũng hiểu, và nhìn thấy.
Đôi khi, điều thay đổi lớn nhất không phải là giải pháp…mà là cách ta nhìn người đối diện.
Bạn đang đồng hành với ai đó? Bạn có đang nhìn họ bằng ánh mắt nghi ngờ – hay thấu hiểu và tin tưởng?
Hai từ “thấu hiểu”, nghe nhẹ vậy mà khó biết bao nhiêu.








