Hệ luỵ khi một “phiên coaching” biến thành tiết mục giải trí…
Nhưng điều khiến mình trăn trở hơn, là cách chương trình “giật tít” bằng dòng chữ “Test tay nghề cô gái tư vấn tâm lý 1 triệu/giờ” như thể đang biến những giây phút đối thoại đầy riêng tư, nhạy cảm ấy thành một màn trình diễn nửa vời giữa khai vấn và giải trí.
Mình hiểu rằng, nếu đúng với cái tên “Trò chuyện với tương lai”, chương trình có lẽ mong muốn tạo ra một không gian công khai để khơi gợi những suy nghĩ sâu sắc, có tính phản biện và sáng tạo về đời sống xã hội, đồng thời truyền cảm hứng hành động vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Thế nhưng, khi một đoạn clip dài hơn 8 phút được biên tập cắt ghép, tách khỏi ngữ cảnh và không đảm bảo tính chuyên môn – thì điều còn lại rất có thể là những hiểu lầm nghiêm trọng về hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt: Tư vấn tâm lý và Coaching chuyên nghiệp.
Từ bao giờ những câu hỏi lướt qua cảm xúc người khác lại được gọi là “khai vấn” (coaching)?
Từ bao giờ một phiên coaching, vốn cần không gian tĩnh lặng, riêng tư, lại bị đưa vào ánh đèn sân khấu, giữa tiếng vỗ tay và áp lực từ khán giả?
Là người từng học về coaching và ứng dụng kỹ năng này trong quản lý, đào tạo, trong hiểu biết hạn hẹp của mình, mình hiểu rằng:
. Coaching không phải là cho lời khuyên.
. Coaching là một không gian an toàn để người được khai vấn tự khám phá, tự ra quyết định, với sự đồng hành đầy tôn trọng từ người coach.
. Một phiên coaching đúng nghĩa đòi hỏi sự bảo mật, cấu trúc rõ ràng, và trách nhiệm đạo đức với những điều người nghe mang theo sau cuộc trò chuyện.
Nhưng khi năng lực khai vấn chưa vững, và định dạng chương trình lại đặt yếu tố "giải trí" lên trên tất cả, thì những gì còn lại là:
- Một người vô tình trở thành nhân vật gây cười.
- Một ngành nghề nghiêm túc bị hiểu sai, hiểu lệch.
- Một phiên trò chuyện lẽ ra là lắng nghe thấu hiểu lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho những bình luận phán xét, công kích trên mạng xã hội.
Rõ ràng, nếu không được thiết kế đúng cách và chuẩn mực, những phiên đối thoại công khai như vậy rất dễ gây tổn thương cho người trong cuộc, và lan tỏa năng lượng tiêu cực cho người xem.
Với cách dàn dựng và khai thác hiện tại trong khuôn khổ clip này, liệu nó có thể tạo ra giá trị thực, cho khách mời, cho khán giả, hay cho xã hội?







