Sự học sâu sắc nhất không đến từ việc tiếp nhận thật nhiều
Khá nhiều anh chị học viên, khi được yêu cầu chia sẻ “bài học bạn rút ra cho chính mình” hay "cảm nhận/suy nghĩ cá nhân" sau một video, một câu chuyện hay một case study, phần lớn đều viết lại một bản tóm tắt: có thể là ý của diễn giả, có khi là diễn giải lại thông điệp đã có sẵn. Trơn tru, tròn trịa, nhưng hoàn toàn thiếu vắng sự chạm vào nội tâm của chính họ.
Mình có cảm giác như thể bài học ấy chỉ lướt qua như những giọt sương lăn trên mặt lá, long lanh, đẹp đẽ, nhưng không thấm chút nào vào bên trong.
Vậy, điều gì thật sự giúp một quan sát hay bài học trở thành một phần của chính bạn?
Với mình, không chỉ quan sát, mà còn có điều gì đó. Rất khác.
Dù chỉ là một cảnh phim ngắn, một dòng status, một mẩu chuyện nhỏ, một bình luận vô tình đọc được – ngay lập tức, trong đầu mình bật ra hàng loạt câu hỏi:
Câu chuyện này cho mình bài học gì?
Vì sao lại dẫn đến kết quả đó?
Mục tiêu là gì nếu họ chọn cách hành xử như vậy?
Có điều gì mình đồng tình? Có điều gì không? Tại sao?
Mình có thể làm gì khác đi để đạt được kết quả tốt hơn?
Điều kiện nào cần có để giải pháp đó hiệu quả hơn?
Nếu đặt trong hoàn cảnh khác, điều này còn phù hợp không?
Quá trình này diễn ra nhanh và tự nhiên đến nỗi mình không nhận ra nó hoạt động theo kiểu như vậy. Cho đến khi băn khoăn trên xuất hiện trong đầu, buộc mình dừng lại và suy ngẫm thật sự: điều gì đã giúp mình học sâu, nhớ lâu, hiểu thấu để vận dụng?
Và mình nhận ra, không gì khác, đó chính là phản tư (self-reflection).
Phản tư không phải là tóm tắt hay tổng hợp lại điều người khác đã nói.
Đó là hành trình nhìn lại chính mình sau khi tiếp nhận một nội dung, một trải nghiệm hay một câu chuyện nào đó.
Phản tư giống như khi bạn nhìn vào một tấm gương. Không phải để phân loại đúng sai, mà để thấy rõ hơn điều gì đang diễn ra bên trong. Đó là một cuộc trò chuyện tử tế và hiện diện với chính mình. Đôi khi ngắn gọn, đôi khi sâu sắc, nhưng luôn trung thực, trả lời cho các câu hỏi bạn tự đặt ra.
Những câu hỏi phản tư ấy không đến ào ạt cùng một lúc. Chúng không phải là danh sách checklist mà mình bật ra ngay lập tức sau khi xem xong một video hay đọc xong một bài viết. Chúng đến như những dòng chảy, nhỏ nhưng đều đặn. Mỗi ngày một chút, mỗi lúc lại một mảnh ghép, khi thì từ một bình luận bất chợt mình đọc được trên mạng, khi thì từ một cuộc trò chuyện ngẫu nhiên, khi thì từ một đêm không ngủ. Và cứ thế, mình nhìn lại điều cũ bằng một ánh mắt mới.
Giống như khi bạn cầm một khúc gỗ thô. Ban đầu, chẳng rõ nó sẽ trở thành con thuyền, chiếc thìa hay một bức tượng nhỏ. Nhưng nếu mỗi ngày bạn kiên nhẫn đẽo gọt một chút, từ những gì bạn thấy, bạn nghĩ, bạn cảm, dần dần, hình hài sẽ lộ ra. Có thể không hoàn hảo, nhưng rõ ràng. Một tác phẩm mang dấu ấn cá nhân. Và quá trình bạn tạo ra nó, chính là phản tư.
Bạn có đang đẽo gọt chính mình từng chút một từ trải nghiệm sống?
Ví dụ gần nhất là câu chuyện đang khiến mạng xã hội và báo chí xôn xao: Đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm nay được cho là “khó quá sức tưởng tượng”. Học sinh thì khóc ròng, phụ huynh bức xúc. Cộng đồng giáo viên lên tiếng. Báo chí, mạng xã hội sôi sục. Cả người nước ngoài đang sống ở Việt Nam cũng tò mò thử sức, quay video giải đề với lời bình dí dỏm: “Tôi dạy tiếng Anh mà còn thấy… đau não.”
Nhưng thay vì chỉ lướt qua hoặc hùa theo một luồng ý kiến, mình lại bật ra những câu hỏi:
Chuyện gì đang diễn ra phía sau đề thi này?
Vì sao mọi người phản ứng như thế?
Mục tiêu của người ra đề có thể là gì?
Nếu muốn thay đổi tư duy học tủ, học vẹt, thì cách làm hiện tại có hiệu quả không?
Tác động đến học sinh, phụ huynh và xã hội là gì?
Nếu mình là người có trách nhiệm trong ngành giáo dục, mình sẽ làm gì khác?
Và quan trọng hơn cả:
Bài học gì cho chính mình – với tư cách một người đang làm giáo dục – từ câu chuyện này?
Mình không đi tìm câu trả lời đúng sai. Mình đi tìm những câu hỏi khiến bản thân phải suy nghĩ và đối thoại với chính mình. Đó mới là nền tảng thật sự của sự học: không lặp lại điều người khác đã nói, mà làm rõ ý nghĩa thật sự đằng sau mỗi thông điệp có liên quan đến cộng đồng, xã hội, cuộc sống và vai trò mà mình đang đảm nhiệm.
Bạn đã bao giờ xem lại một câu chuyện cũ bằng góc nhìn mới hơn chưa?
KHUNG PHẢN TƯ TRƯỚC - TRONG - SAU
Nếu bạn chưa quen với việc phản tư, hãy thử làm như mình, bắt đầu bằng khung phản tư “Trước – Trong – Sau”
Mỗi lần chuẩn bị xem, đọc, hoặc trải nghiệm một điều gì đó, hãy dừng lại và tự hỏi:
#TRƯỚC (Trước khi tiếp nhận nội dung/video/câu chuyện)
Mình đang mang theo tư duy/tâm thế/thái độ gì vào hoạt động này?
Mình từng có trải nghiệm nào liên quan đến chủ đề này không?
Mình kỳ vọng sẽ nhận được điều gì từ nội dung này?
Có điều gì khiến mình thấy hào hứng hay dè dặt khi bắt đầu?
Mình có định kiến nào sẵn có về chủ đề này không?
Những câu hỏi này này giúp xác lập điểm xuất phát cá nhân, mở ra sự kết nối nội tại trước khi tiếp nhận thông tin mới
#TRONG (Khi đang xem, đọc, trải nghiệm)
Điều gì khiến mình dừng lại hoặc cảm thấy “chạm”?
Có điều gì mình thấy đồng cảm hoặc không đồng tình? Vì sao?
Nếu mình là nhân vật trong tình huống/câu chuyện, mình sẽ làm gì?
Mình đang cảm thấy thế nào trong lúc tiếp nhận nội dung này?
Có hình ảnh/câu nói nào đọng lại đặc biệt trong mình? Vì sao?
Những câu hỏi này kích hoạt sự hiện diện, phản ứng cảm xúc và kết nối câu chuyện với chính mình
#SAU (Sau khi kết thúc nội dung)
Điều quan trọng nhất mình học được là gì?
Điều này thay đổi cách mình nhìn nhận vấn đề nào?
Mình sẽ làm gì khác đi từ ngày mai?
Mình có muốn chia sẻ điều này với ai không? Vì sao?
Để ứng dụng thành công bài học này thì nguyên tắc cốt lõi là gì?
Phần này rất quan trọng, nó giúp mình chuyển hóa bài học thành hành động, đưa vào ứng dụng trong đời sống và công việc.
Nếu bạn thấy mình cũng từng lướt qua nhiều bài học mà chưa thật sự chạm vào chúng, có lẽ đã đến lúc tập phản tư mỗi ngày .
Phản tư không phải là kỹ thuật viết sao cho hay. Mà là cơ hội để bạn dành thời gian cho chính mình, hiểu bản thân hơn thông qua một trải nghiệm, và qua đó — hiểu người khác, hiểu đội nhóm, hiểu vai trò lãnh đạo của mình một cách sâu sắc trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay.
Không ai phản tư giỏi ngay từ đầu. Cũng không nhất thiết phải trải qua biến cố lớn mới học được điều sâu sắc.
Chỉ cần bạn dừng lại một chút và tự hỏi:
“Điều gì trong câu chuyện này khiến mình phải suy nghĩ?”
Vậy là bạn đã bắt đầu thực hành phản tư với một khoảng lặng nhỏ. Nhưng thật.
Bởi sự học sâu sắc nhất không đến từ việc tiếp nhận thật nhiều, mà từ khả năng dừng lại đúng lúc để đối thoại sâu với chính mình.
Và đây chính là điều IzzyMe luôn tin tưởng…
Tại IzzyMe, chúng tôi tin rằng sự phát triển bền vững của một nhà quản lý hay lãnh đạo không chỉ đến từ việc học nhiều kiến thức, mà đến từ khả năng dừng lại đúng lúc để phản tư và chuyển hóa bài học thành hành động thực tiễn.
Đó cũng chính là lý do chúng tôi xây dựng chuỗi Lead Mastery – một hành trình huấn luyện toàn diện dành cho các nhà quản lý và lãnh đạo ở nhiều cấp độ:
- Lead Now – Vững vai trò quản lý: Dành cho những ai vừa được bổ nhiệm hoặc đang loay hoay với vai trò “trên kẹp dưới”.
- Lead Deep – Dẫn dắt bằng chiều sâu: Học cách trao quyền, phản hồi đúng và tạo động lực để đội ngũ phát triển bền vững.
- Lead Forward – Tư duy chiến lược và phát triển dài hạn: Dành cho lãnh đạo cấp cao muốn mở rộng tầm nhìn và kiến tạo đội ngũ kế thừa.
Đây không chỉ là các khóa học kỹ năng. Đó là hành trình đồng hành, khai mở tư duy, giúp bạn không chỉ làm “sếp”, mà trở thành người lãnh đạo mà đội ngũ của bạn thật sự cần.
Nếu bạn muốn nhận lộ trình học phù hợp với vai trò lãnh đạo của mình, hãy liên hệ ngay đội ngũ IzzyMe để được tư vấn chi tiết.







